Chi tiết tin - Xã A Dơi - Hướng Hóa

Vài nét về các ngành có chung ngày truyền thống 28/8

20:14, Thứ Bảy, 9-7-2022

Ngày 28/8 cách nay 75 năm đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc.

Đ/c Lê Đức Luận, ĐUV, Trưởng công an xã A Dơi thăm và tặng hoa chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 ngày Truyền thống của các ngành(28/8/1945-28/8/2020)

 Trong số trên mười bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945 có ngành công tác Văn phòng hành chính; ngành Tổ chức Nhà nước và các Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Lao động, Tài chính, Tư pháp. Và, kể từ đó, ngày 28/8 trở thành ngày truyền thống chung được các ngành vừa nêu tổ chức kỷ niệm hằng năm.
            Ngành công tác Văn phòng hành chính Nhà nước; đây là lĩnh vực gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước. Tất cả các công việc từ nhỏ đến lớn, từ bình thường đến quan trọng của một cơ quan, tổ chức muốn đảm bảo hoạt động có kỷ cương chặt chẽ, nền nếp, bắt buộc trong mỗi bộ máy của các cơ quan nhà nước đó phải có một tổ chức để điều hành, giải quyết các việc tham mưu, hành chính, sự vụ. Có thể nói, công tác Văn phòng với vai trò là bộ máy điều hành tổng hợp của cơ quan, nơi thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý; phục vụ hậu cần đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức. Ngành công tác Văn phòng hành chính ra đời cùng với lịch sử phát triển của các cơ quan nhà nước, có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu, gắn liền với sự tồn tại và phát triển vững mạnh của nhà nước trong mỗi cơ quan, tổ chức.
          Ngành Tổ chức Nhà nước, trong suốt 75 năm qua có những lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn trong từng giai đoạn. Song, chức năng cơ bản của ngành Tổ chức Nhà nước là giúp Chính phủ và UBND địa phương xây dựng chính quyền nhân dân, quản lý địa giới hành chính... Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cách mạng, nội dung chức năng nhiệm vụ của ngành tổ chức Nhà nước luôn có sự đổi mới. Trong suốt hơn sáu thập kỷ qua, ngành tổ chức Nhà nước các cấp đã thực hiên tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy chính quyền các cấp đáp ứng được yêu cầu cách mạng qua mỗi thời kỳ. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài công tác quản lý cán bộ, ngành Tổ chức Nhà nước có thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới như công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo - dân tộc; văn thư lưu trữ; công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đoàn kết, hăng hái xây dựng và bảo vệ đất nước.
            Ngành Văn hóa Thông tin; những ngày đầu thành lập chỉ có chức năng làm công tác thông tin tuyên truyền, cổ động nhân dân kháng chiến và kiến quốc; đúng với tên gọi là Bộ Thông tin - Tuyên truyền (28/8/1945) và Bộ Tuyên truyền và Cổ động (01/01/1946). Suốt 75 năm qua, tên gọi cùng với chức năng nhiệm vụ của ngành từ trung ương đến địa phương đã có hơn mười lần thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Đến tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.
          Đối với cập quận, huyện do đặc thù của lĩnh vực này, hiện nay ngành văn hóa thông tin chịu sự quản lý của 2 cơ quan cấp tỉnh, thành phố là Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có chức năng, nhiệm vụ là tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước về các lĩnh vực: văn hóa, gia đình; thể dục thể thao; du lịch và các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và internet; công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin…
          Cùng như ngành văn hóa thông tin, ngành lao động - thương binh và xã hội có nhiều lần thay đổi tên gọi. Ở cấp quận, huyện, có giai đoạn hai cơ quan này được nhập chung và được gọi là phòng Văn hóa - Xã hội, đến năm 2005 được tách ra thành hai đơn vị độc lập.
           Theo quy đinh hiện nay, ngành lao động - thương binh và xã hội là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội (gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội); đồng thời có chức năng quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực do cấp Bộ quản lý.
            Ngành Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
          Đối với Ngành Tư pháp, trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng pháp luật và tư pháp dân chủ nhân dân. Ngoài ra, còn đảm đương tốt chức năng quản lý Nhà nước đa ngành, từ cấp vĩ mô như giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định chiến lược pháp luật, tư pháp của quốc gia, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu pháp lý về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
            Riêng các Phòng Tư pháp quận, huyện là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác tư pháp theo ủy quyền của UBND.
          Theo đó, những ngành Văn phòng, Kế toán, Văn hóa xã hội và Tư pháp ở cấp xã, phường, thị trấn cũng lấy ngày 28/8 để tổ chức ngày truyền thống của ngành mình.
          Là những người hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên, chúng ta có quyền tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành mình đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Mọi người cần phải tiếp tục nỗ lực, không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, vươn lên đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới./.

Các tin khác
Hình ảnh